Có thể bạn không thích Sơn Tùng M-TP nhưng chắc chắn bạn phải công nhận khẳng định trong tiêu đề. Giờ đây, Sơn Tùng không còn là một hiện tượng hot như hồi cậu mới xuất hiện nữa. Mà chỉ cần cậu ấy xuất hiện thì mặc nhiên trở thành hot.
Không nói suông, xét trong ba sản phẩm âm nhạc gần đây nhất của Sơn Tùng là “Chúng ta không thuộc về nhau”, “Lạc Trôi” và “Nơi Này Có Anh”, có thể thấy sự tăng trưởng vượt bậc về lượng người xem trong thời điểm ra mắt của các MV này là rất ấn tượng. Nếu như “Chúng ta không thuộc về nhau” đạt 3 triệu lượt xem trong ngày, “Lạc trôi” một ngày hơn 4 triệu, thì với MV mới nhất “Nơi này có anh” chạm tới con số 7 triệu. Với số liệu này, Sơn Tùng M-TP thậm chí còn đứng đầu thế giới theo một trang quốc tế thống kê, và điều này gần như là không tưởng với một quốc gia có nền âm nhạc còn nhỏ bé như ở Việt Nam.
Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào thị phi xung quanh Sơn Tùng, người ta có thể nói cậu là kẻ-bắt-chước-may-mắn. Nhưng nhìn nhận kỹ hơn, ai cũng hiểu nếu hoàn toàn chỉ sống bằng đạo nhái, nam ca sĩ trẻ này sẽ không bao giờ có thể chạm tay vào những thành tích “khủng”. Là may mắn, tài năng, hay chiến lược tốt? Chiếc chìa khóa mở cánh cửa lý giải “quả bom làm gì cũng hot” – Sơn Tùng M-TP vẫn đang là đáp án được rất nhiều người yêu – ghét nam ca sĩ tò mò.
Nếu 3 – 4 năm trước, Vpop vẫn còn bị bão hòa với những dòng nhạc nằm trong khuôn khổ an toàn, hoặc thường vấp phải phản ứng trái chiều khi có một sản phẩm nào đó bị ảnh hưởng màu sắc Kpop đang thịnh hành, thì chính Sơn Tùng lại “vô tư” làm ra thứ âm nhạc bật mình ra khỏi ranh giới vô hình đó. Hướng đi “thuần Kpop” này khiến anh bị chỉ trích dữ dội nhưng lại “ghi điểm” mạnh đối với những khán giả trẻ vốn đang chờ đợi từng ngày một điều gì đó mới mẻ, mà họ chưa từng thưởng thức.
Không chỉ bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới, sáng tác của Sơn Tùng có những sức hút rất riêng mà hiếm nghệ sĩ Việt nào làm được. Điều đó thể hiện qua phần giai điệu bắt tai và ca từ vô cùng thu hút, hấp dẫn. Những câu “key” dễ nhớ được lặp đi lặp lại như “Không phải dạng vừa đâu”, “Xin hãy là em của ngày hôm qua”, “Chúng ta không thuộc về nhau”… được người nghe truyền miệng một cách nhanh chóng khiến ca khúc thêm lan tỏa, kích thích người ta tìm đến nghe. Cứ giả sử đồng tình với nghi vấn đạo nhái âm nhạc, thì ít ra không thể phủ nhận những câu nói bắt tai, thuần Việt kể trên vẫn là cộp mác của Sơn Tùng M-TP.
Với những ai đánh giá thấp chất giọng của Sơn Tùng, đừng quên nam ca sĩ gốc Thái Bình đã đạt thủ khoa đầu vào của nhạc viện TP.HCM năm 2012, chứng tỏ giọng hát của cậu được đánh giá cao ở một môi trường bỏ qua tất cả những yếu tố về ngoại hình, giải trí. Tuy không sở hữu giọng hát “khủng”, cách phát âm lại đậm “vùng miền”, nhưng nam ca sĩ đã khôn khéo biến những điều đó thành nét đặc trưng của mình. Cách xử lý, luyến láy ngẫu hứng và riêng biệt giúp anh không bị lẫn lộn dù hát nhạc trữ tình hay sôi động.
Có thể ví vui, giọng hát của Sơn Tùng với món bánh tráng trộn hay bánh mì nướng muối ớt. Chẳng chuyên gia dinh dưỡng nào có thể mang ra đánh giá, cân đo cùng những cao lương mĩ vị khác, còn người thưởng thức cũng chẳng cần bận tâm làm gì, họ thích thì họ “ăn” thôi.
Bên cạnh đó, việc bắt tay hiệu quả với các nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu như Slim V, Triple D, Long Halo, Khắc Hưng… cho thấy Sơn Tùng cũng phải có ít nhiều những kiến thức chuyên môn và cái tai nhạy bén của một nhà sản xuất để có thể truyền đạt hết những gì mình cần. Ít người biết, hầu hết những ca khúc của Sơn Tùng ra mắt thị trường đều do anh tự mình thu âm và dựng bè tại nhà, nhằm giữ trọn vẹn cảm xúc và màu sắc cá nhân mà không bị ai chi phối. Nghệ sĩ Việt có khả năng làm điều này chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có thể thấy, thành công lớn của Sơn Tùng nằm ở việc tách riêng biệt “màu sắc” của mình ra khỏi thị trường giữa thời điểm đầy ắp những ca sĩ trẻ có cá tính gần như bị một màu. Với ngoại hình điển trai, cộng phong cách thời trang đậm chất Hàn Quốc, nam ca sĩ trước hết đã đánh vào được nhu cầu phần nhìn và sự tò mò của khán giả trẻ. Đây được xem là một định hướng rất thành công của Sơn Tùng. Bởi trong thời đại phát triển của truyền thông và công nghệ hiện nay, nghệ sĩ nào có đầu tư về hình ảnh thật khác biệt trong âm nhạc thì đó mới là bước đi khôn ngoan, tạo độ viral cao về truyền thông.
Mỗi lần xuất hiện, Sơn Tùng đều có một sức hút khiến người ta tò mò, từ trang phục, kiểu tóc đến cách tạo dáng lạ lùng như chu môi, biểu cảm xấu… Xét về gu thời trang, người ta chỉ thường có thói quen “soi” các mỹ nhân, nhưng với Tùng lại là trường hợp ngoại lệ ở sao nam. Vì ai cũng hiểu, chỉ cần muốn, nam ca sĩ nhất định biết cách mang đến một điều gì đó đặc biệt cho mình.
Người ta nói vui, có lẽ chỉ có Sơn Tùng mới được “đặc cách” biến những điều tưởng chừng là “khùng điên, chẳng có gì” trở nên đặc biệt. Dễ dàng thấy, các câu nói hết sức đơn giản như “Mình thích thì mình làm thôi”, “Không phải dạng vừa đâu”… tưởng như rất đời thường, lại trở thành cơn sốt trong cộng đồng một thời gian dài.
Trên sân khấu, thần thái “tự tin đến bất cần” toát ra từ phong cách biểu diễn của Sơn Tùng cũng được xem là chìa khóa thôi miên hàng nghìn khán giả theo dõi. Những bước nhảy tự do, từng cử chỉ nhỏ nhất… đều tạo cảm giác chúng xuất phát từ chính con người của nam ca sĩ một cách tự nhiên, chứ không có sự khiên cưỡng hay cố gắng phải được như người này, người nọ. Chính điều này làm cho sân khấu của Sơn Tùng trở nên “có hồn” và kết nối chặt chẽ với cảm xúc của khán giả.
Ở Sơn Tùng M-TP, đối tượng khán giả hâm mộ nam ca sĩ đa phần rơi vào độ tuổi còn đi học, là những người sinh ra trong thời đại tiếp cận công nghệ đầy đủ hơn thế hệ fan của những ca sĩ trước rất nhiều. Họ có sự cập nhật về cách thức cạnh tranh giữa cộng đồng fan bằng việc liên kết giúp thần tượng chạy đua thành tích với các đối thủ khác. Yếu tố “háo thắng” ở những người trẻ, thể hiện sức mạnh đoàn kết của fanclub đã góp phần đẩy “cuộc chiến ngầm” này lên cao trào. Với họ, những con số biết nói là món quà ý nghĩa dành cho thần tượng của mình. Kéo xuống phần bình luận ngay dưới MV “Nơi này có anh”, rất dễ nhận thấy các bình luận kêu gọi nhau “cày view” vì Sơn Tùng.
Người ta vẫn truyền miệng nhau câu nói vui, ví sự đoàn kết của fanclub Sơn Tùng là “Sức mạnh bầu trời”. Nhưng câu nói đó không mang hàm ý đơn giản, mà sâu xa hơn, nó cho thấy bên cạnh Sơn Tùng luôn có một lượng fan khủng luôn sẵn bênh vực, ủng hộ và sẵn sàng làm mọi thứ vì thần tượng. Để có được tình cảm như vậy, Sơn Tùng phải đánh đổi điều gì?
Đó là sự khéo léo trong việc tạo dựng một hình ảnh đẹp trong lòng những người yêu mến anh, sự giao lưu gần gũi, cách nói chuyện, quan tâm fan ấm áp, cùng những ưu ái đặc biệt như viết bài hát, làm MV chỉ dành riêng cho fanclub của mình… Để một người thích không quá khó nhưng ở lại trong lòng họ thật lâu lại là điều không dễ. Làm được những điều đó, là quá trình, đi kèm sự chân thành.